Sau 10 năm, những tính năng nào trên Android vẫn tồn tại & không lỗi thời?

Android Authority cho biết: Bản phát hành thương mại đầu tiên của Android diễn ra vào ngày 23/9/2008, cách đây 10 năm. Hệ điều hành Android được ra mắt đi kèm với HTC Dream (T-Mobile G1), một thiết bị huyền thoại với giao diện màn hình cảm ứng kết hợp với bàn phím vật lý trượt.
So với thời điểm hiện tại, chắc chắn rằng Android 1.0 sẽ thiếu nhiều tính năng mà chúng ta cần trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên một số tính năng từ thời kỳ sơ khai này vẫn còn giá trị sử dụng cho đến bây giờ. Chúng ta cùng xem đó là gì nhé!

1. Android Market (tiền thân của Google Play/CH Play)

Điều gì sẽ xảy ra khi một thiết bị Android không có một cửa hàng ứng dụng? Chắc chắn là không thể phải không nào. Ở phiên bản Android 1.0, các ứng dụng cần thiết đã được cài đặt sẵn, nhưng vẫn có rất nhiều ứng dụng bị thiếu.
Ví dụ, nếu bạn muốn phát tệp video trên điện thoại Android của mình, bạn cần phải tải xuống ứng dụng của bên thứ ba vì chức năng đó chưa được đưa vào hệ thống.

Android Market là nơi bạn có thể tìm kiếm các ứng dụng Android mà mình cần. Tuy nhiên, khi Android Market ra mắt, nó chỉ có khoảng 13 ứng dụng có sẵn (tất cả đều miễn phí).
Khi Google bắt đầu mở rộng Android Market cho các nhà phát triển độc lập có thể tự bổ sung các ứng dụng, con số đó đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, vào cuối năm 2008, chỉ có khoảng 200 ứng dụng trên “phiên chợ” này.
Vào năm 2012, Google đã sáp nhập Android Market với hai trong số các dịch vụ khác là Google Music và Google eBookstore, dẫn đến sự ra đời của Google Play. Nhưng chức năng cốt lõi của cửa hàng Google Play hôm nay vẫn dựa trên Android Market.

2. Đồng bộ hóa

Trở lại thời điểm đó, danh bạ được lưu trữ trên thẻ SIM. Khi bạn mua một chiếc điện thoại mới, bạn sẽ phải chuyển thẻ SIM sang thiết bị mới để tải các số liên lạc đã lưu, các giải pháp đám mây vẫn chưa ra mắt.
Hiện nay, bạn vẫn có tùy chọn lưu trữ danh bạ trên thẻ SIM, nhưng hầu hết mọi người đều chọn cách tiếp cận hiện đại hơn bằng cách lưu địa chỉ liên hệ của họ vào tài khoản Google, sẽ không cần phải lo lắng về việc mất/chuyển điện thoại hay thẻ SIM nữa.

Với Android 1.0, việc đồng bộ ứng dụng đã được triển khai, chẳng hạn như danh bạ Google, Gmail và lịch Google. Ví dụ, nếu bạn đã thêm sự kiện vào lịch Google trên điện thoại thông minh của mình, sự kiện đó sẽ đồng bộ với lịch Google trên web, bạn có thể đồng bộ hóa bất kể bạn sử dụng hệ thống nào.
Ngoài ra, bạn có thể đồng bộ hóa dữ liệu của mình với các ứng dụng của bên thứ ba như Microsoft Outlook.
Đến nay, đồng bộ hóa hay dữ liệu đám mây chính là nền tảng của các ứng dụng điện thoại thông minh hiện đại. Tính năng này giúp người dùng nâng cấp thiết bị của họ và không cần lo lắng về vấn đề mất dữ liệu.

3. Tổ chức ứng dung

Một trong những điểm khác biệt quan trọng giữa Android và các đối thủ là người dùng có thể tổ chức, sắp xếp các ứng dụng. Khi bạn cài đặt một ứng dụng mới, nó sẽ được đặt vào ngăn kéo ứng dụng.
Trong ngăn kéo, các ứng dụng của bạn có thể được sắp xếp theo tên, thời gian,… giúp bạn dễ dàng tìm kiếm một cách nhanh chóng.

Nếu muốn đưa ứng dụng của mình lên màn hình chính, bạn có thể đặt chúng theo bất kỳ thứ tự nào bạn thích và thậm chí sắp xếp các ứng dụng thành các cụm bằng cách sử dụng các thư mục trên màn hình chính.
Ngoài ra, một số ứng dụng có các tiện ích con (hay còn gọi là widget) cho phép bạn đặt chúng lên màn hình chính, giúp bạn có thể truy cập nhanh vào các chức năng ứng dụng chính mà không phải khởi chạy ứng dụng đầy đủ.

4. SMS và MMS

Vào thời điểm Android 1.0 xuất hiện, người dùng điện thoại di động trên toàn thế giới đã quen thuộc với SMS và MMS. Ngay cả các điện thoại phổ thông như Motorola Razr V3 (2004) cũng có thể gửi và nhận SMS và MMS.
Vì thế, sẽ thật khó chấp nhận nếu Android không có 2 tính năng trên. Trong khi đó, iPhone đời đầu lại không hỗ trợ công nghệ MMS. Mãi cho đến năm 2009 với việc phát hành iPhone 3GS và iPhone OS 3.0, người dùng iPhone mới có thể gửi tin nhắn bằng hình ảnh cho bạn bè.

Có lẽ chính vì Android đã trang bị tính năng này cho các thiết bị ngay từ khi ra mắt nên đã gây áp lực đáng kể cho Apple để bổ sung càng nhanh càng tốt. Có thể thấy tại thời điểm năm 2008, Google đã đi trước thời đại.
Giờ đây công nghệ SMS và MMS về cơ bản đã lỗi thời, Google đang sắp sửa giới thiệu một giao thức nhắn tin chung để cạnh tranh tốt hơn với iMessage của Apple.

5. Khu vực thông báo trực quan

Tất cả điện thoại thông minh đều có hệ thống thông báo, nhưng chỉ có Android có hai công cụ thông báo ứng dụng: Ngăn kéo thông báo và thanh trạng thái, cả hai đều được ra mắt trong Android 1.0.

Thanh trạng thái luôn hiển thị ở đầu màn hình với một hàng biểu tượng để cho bạn biết rằng ứng dụng nào có thông báo mà bạn chưa xem. Bạn không cần phải di chuyển qua màn hình chính để tìm xem ứng dụng nào có thông báo như chiếc iPhone đầu tiên.
Sau đó, nếu bạn vuốt xuống từ phần đầu màn hình, bạn có thể thấy ngăn thông báo với tất cả các thông báo bạn thấy trên thanh trạng thái được mở rộng.

Mười năm tới, Android sẽ thế nào?

Có một điều chắc chắn là Android sẽ còn tiếp tục phát triển trong tương lai. Dự án Google Fuchsia bí ẩn có thể sẽ thay thế Android theo một cách nào đó, tuy nhiên bản chất nguồn mở của hệ điều hành sẽ giúp Android tồn tại lâu dài.